Chụp ảnh tĩnh vật là thể loại nhiếp ảnh với chủ thể là các đồ vật bất động. Để có được một bức ảnh tĩnh vật chất lượng, bố cục là điều mà các nhiếp ảnh gia cần nắm rõ. Vậy, đâu là những kiểu bố cục thường gặp khi chụp ảnh tĩnh vật? Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé.
- Bố cục vuông đơn giản và thông dụng
- 19 kỹ thuật bố cục nhiếp ảnh chuyên nghiệp
- Sự thật về bố cục quy tắc một phần ba
Bố cục đường dẫn khi chụp ảnh tĩnh vật
Những kiểu bố cục dạng đường dẫn như chữ S, bố cục hình tròn… là lựa chọn hoàn hảo để tạo nên một bức ảnh tĩnh vật thú vị. Những đường dẫn giúp người nhìn tập trung vào vật thể tốt hơn, đồng thời tạo cảm giác nhẹ nhàng và hài hòa cho bức ảnh. Dưới đây là một ví dụ điển hình cho kiểu bố cục này.
Những bông hoa và quả mọng được sắp xếp một cách tinh tế theo một đường tròn từ nhỏ đến lớn, với trung tâm là tách cà phê mịn màng. Cách làm này giúp chủ thể chính trở nên nổi bật hơn và đem lại một cái nhìn sạch sẽ, gọn gàng khi chụp ảnh tĩnh vật.
Bố cục xa gần khi chụp ảnh tĩnh vật
Đây cũng là kiểu bố cục quen thuộc khi chụp ảnh tĩnh vật. Bằng cách đặt các chủ thể theo thứ tự xa gần khác nhau, bạn có thể đem lại kết cấu khác biệt và chiều sâu cho bức ảnh. Tuy nhiên, dù sắp đặt theo thứ tự nào, bạn vẫn phải đảm bảo sự cân bằng cho bức ảnh. Bức ảnh dưới đây cũng là một ví dụ tốt cho kiểu bố cục xa gần. Các vật thể được sắp đặt hài hòa, tạo cảm giác khung hình được lấp đầy nhưng không chật chội.
Bố cục khung trong khung khi chụp ảnh tĩnh vật
Đây là một trong những kiểu bố cục độc đáo mà các nhiếp ảnh gia không thể bỏ qua khi chụp ảnh tĩnh vật. Bằng cách đặt vật thể trong một khung giới hạn, vật thể chính sẽ trở nên nổi bật và thu hút hơn hẳn. Đối với kiểu bố cục này, tính chất đối xứng cần được đặt lên hàng đầu. Ví dụ, những ly rượu dưới đây được sắp đặt theo thứ tự trước sau, tạo thành một chiếc khung tự nhiên, giúp người nhìn tập trung ánh nhìn vào ly rượu vang cuối cùng
Xem thêm:
- Quy tắc Một Phần Ba là gì?
- Đường chân trời và Các đường thẳng trong ảnh
Bố cục động khi chụp ảnh tĩnh vật
Chỉ vì chụp ảnh tĩnh vật, không có nghĩa tất cả mọi vật thể đều phải ” tĩnh”. Chỉ cần thêm thắt một số yếu tố “động”, bức ảnh sẽ trở nên sinh động hơn rất nhiều. Yếu tố ” động” ở đây có thể là dòng chảy của nước hay chuyển động rơi của vật thể. Tuy nhiên, kiểu chụp này cũng đòi hỏi sự chính xác và khả năng của nhiếp ảnh gia, để có thể nắm bắt được khoảng khắc đẹp nhất của vật thể.
Bố cục tối giản khi chụp ảnh tĩnh vật
Đôi khi, bạn không cần quá nhiều để có một bức ảnh tĩnh vật đẹp. Nếu không tự tin với khả năng sắp đặt của mình, hãy chỉ chụp từ 1 -2 vật thể với phông nền đơn giản và góc độ ánh sáng khác biệt. Kiểu bố cục này sẽ đem lại cho bức ảnh sự gọn gàng và nhẹ nhàng, mà vẫn không tạo cảm giác đơn điệu cho tổng thể chung.
Trên đây là một số kiểu bố cục cơ bản mà các nhiếp ảnh gia nên tận dụng khi chụp ảnh tĩnh vật. Với sự khéo léo và cái nhìn nghệ thuật, việc tạo ra một bước ảnh tĩnh vật ấn tượng và đẹp mắt chắc chắn sẽ nằm trong tầm tay bạn. Chúc bạn thành công!
Theo Vnphoto