Điều kiện được cho là “xấu” như ánh sáng yếu vẫn có thể mang đến cho người chụp những khoảnh khắc độc đáo và mới lạ.
Theo phóng viên ảnh người Anh Donald McCullin, “Không có khái niệm ánh sáng xấu, mà là do chính chúng ta nghĩ là vậy, nhiều nhiếp ảnh gia cho rằng ánh sáng yếu gọi là ánh sáng xấu.
Bài viết này muốn “khuyến khích” các bạn không xem điều kiện ánh sáng yếu là không thể sử dụng được mà hãy tìm kiếm đối tượng phù hợp để chụp có thể phù hợp với điều kiện ánh sáng hiện có.
Hãy nhớ rằng chụp ảnh trong ánh sáng yếu không có nghĩa chỉ là chụp ảnh ban đêm. “Cơ hội” để chụp trong điều kiện này có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào trong ngày. Thông thường việc sử dụng đèn flash sẽ giúp các đối tượng cần chụp được sáng hơn tuy nhiên chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu làm thế nào để cải thiện tốt nhất ảnh chụp trong điều kiện ánh sáng yếu dưới đây thông qua 9 câu hỏi thường gặp.
1. Ảnh chụp thiếu sáng bị mờ, ống kính tốt “xịn” hơn có khắc phục được không?
Câu trả lời ngắn gọn là CÓ, một fast len với f-stop tối đa 1.8 chẳng hạn, sẽ cho bạn kết quả tốt hơn so với một ống kính kit với f-stop tối đa 3.5 hoặc 5.6.
Nhưng cho dù có ống kính nhanh hơn, đắt tiền hơn mà đặt các thiết lập sai thì cũng không mang lại kết quả như mong đợi. Mở khẩu độ rộng hơn sẽ cho phép bạn sử dụng tốc độ màn trập nhanh hơn => hình ảnh sắc nét hơn.
Những ống kính có khẩu độ tối đa lớn hơn được gọi là “nhanh” bởi vì chúng cho phép bạn chụp với tốc độ màn trập nhanh hơn.
2. Chụp trong ánh sáng yếu nên cài đặt máy ảnh như thế nào?
Chế độ Manual
Chụp trong chế độ Manual là tối quan trọng để có thể thành công khi chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu vì nó cho phép bạn kiểm soát mọi khía cạnh chức năng của máy ảnh.
Về cơ bản có ba cách để nhận được nhiều ánh sáng vào cảm biến máy ảnh, đó là: tốc độ màn trập, khẩu độ và ISO. Người ta thường gọi chúng là Tam giác phơi sáng và mỗi yếu tố có thể mang đến một kết quả tích cực hoặc tiêu cực đến độ phơi sáng của hình ảnh. Vì vậy, việc học cách sử dụng chúng để có kết quả tốt nhất chính là chìa khóa giúp bạn chụp trong ánh sáng yếu.
Tốc độ màn trập
Khi cầm máy chụp, có một quy tắc mà bạn nên tuân thủ đó chính là quy tắc ngón tay cái, theo đó bạn hãy thiết lập tốc độ màn trập phù hợp với độ dài tiêu cự. Ví dụ, nếu bạn đang chụp ở tiêu cự 50mm, tốc độ màn trập không nên chậm hơn 1/50s.
Tất nhiên, nếu chủ thể chụp đang chuyển động, bạn sẽ cần phải tăng tốc độ màn trập đủ nhanh để đóng băng hành động. Việc lựa chọn một tốc độ màn trập chậm hơn sẽ cho phép có nhiều ánh sáng vào máy ảnh, nhưng với thiết lập đó, chuyển động trong bức ảnh sẽ dễ bị mờ.
Khẩu độ
Trong hầu hết các tình huống ánh sáng yếu, bạn có thể sẽ cần phải chụp với khẩu độ mở rộng. Nhưng nếu có đủ ánh sáng để cho phép bạn chụp với một f-stop nhỏ hơn, nó sẽ giúp tăng độ sâu trường ảnh.
Một số nguyên tắc cần xem xét: chọn một khẩu độ rộng hơn sẽ cho phép nhiều ánh sáng vào máy ảnh của bạn, nhưng sẽ làm giảm độ sâu trường ảnh, điều đó có thể khiến một phần quan trọng của hình ảnh không được lấy nét.
ISO
Máy ảnh sẽ ghi lại nhiều ánh sáng hơn với giá trị ISO cao hơn. Tuy nhiên ISO cao đồng nghĩa với việc ảnh sẽ bị nhiễu hạt nhiều hơn. Vì vậy hãy giữ ISO của bạn càng thấp càng tốt và chỉ tăng ISO sau khi bạn đã đặt max tốc độ màn trập và khẩu độ.
Chụp ảnh RAW
Để có kết quả tốt nhất, chụp ở chế độ RAW luôn được khuyến cáo. Lý do đơn giản rằng ảnh RAW sẽ lưu lại nhiều chi tiết hơn so với định dạng nén JPG.
Ngoài ra định dạng này cũng rất hữu ích trong việc kiểm tra histogram, không chỉ dựa vào những gì nhìn thấy trên màn hình LCD của máy ảnh. Bạn có thể sử dụng Histogram để kiểm tra phơi sáng trên bức hình.
3. Làm thế nào để chụp chuyển động trong ánh sáng yếu?
Chụp chuyển động trong ánh sáng yếu có thể rất khó khăn và hầu như luôn luôn yêu cầu bạn phải chụp với thiết lập khẩu độ lớn nhất.
Khi đã thiết lập khẩu độ, bạn cần điều chỉnh tốc độ màn trập để phù hợp với chuyển động cần đóng băng.
Tất nhiên, còn tùy thuộc vào mức độ ánh sáng yếu mà bạn dự định chụp, có thể chỉ đơn giản là không đủ ánh sáng. Nếu vậy bạn cần điều chỉnh ISO cao hơn đến độ phơi sáng tốt được thiết lập.
Tuy nhiên nếu ISO cao khiến ảnh bị quá nhiễu, bạn có 2 lựa chọn: Bổ sung thêm ánh sáng bằng đèn flash hoặc một số nguồn sáng khác, hoặc sống với tình trang bị nhiễu hạt và cố gắng khắc phục trong khâu xử lý hậu kỳ.
4. Làm thế nào để giảm mức độ nhiễu kỹ thuật số trong điều kiện ánh sáng yếu?
Câu trả lời cho câu hỏi này là chụp ở ISO thấp nhất mà bạn có thể. Tuy nhiên, ngay cả ở ISO thấp, nếu hình ảnh của bạn bị thiếu sáng thì ở những khu vực bị đổ bóng vẫn không thể tránh khỏi việc bị nhiễu.
5. Lấy nét trong ánh sáng yếu như thế nào?
Một lý do khác gây ra hình ảnh mờ trong ánh sáng yếu bắt nguồn từ thực tế rằng nhiều máy ảnh không được sản xuất ra để phục vụ chụp trong điều kiện thiếu sáng. Hãy thử chiếu thêm ánh sáng về chủ thể cần chụp để bức ảnh đủ ánh sáng giúp sắc nét hơn.
Bạn cũng có thể sử dụng vòng điều chỉnh lấy nét bằng tay – manual focus để tinh chỉnh lấy nét. Phương pháp lấy nét trung tâm, lấy nét điểm cũng có thể hữu ích giúp lấy nét nhanh hơn và chính xác hơn so với những cách khác.
6. Làm thế nào để chụp được hình ảnh chuyên nghiệp trong ánh sáng yếu?
Có 4 điều bạn cần lưu ý:
1. Sử dụng chân máy – tripod
2. Chụp ảnh RAW
3. Chụp trong chế độ Manual
4. Sử dụng Histogram
7. Trong ánh sáng yếu, chọn cân bằng trắng thế nào?
Việc thiết lập cân bằng trắng phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố môi trường. Một số thiết lập bạn nên nắm chắc như:
– Tungsten dành cho điều kiện chụp trong nhà với ánh sáng từ bóng đèn thông thường.
– Fluorescent cho ánh sáng từ bóng đèn huỳnh quang,
– Cloudy phù hợp với ánh sáng yếu được tạo ra bởi một ngày u ám.
– và Shade để chụp trong một khu vực bóng mờ hay bóng tối.
Tuy nhiên có một điều cần nhớ là nếu bạn đang chụp ở định dạng RAW, bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh cân bằng trắng cho ảnh trong khâu xử lý hậu kì, còn nếu bạn đang chụp bằng định dạng JPG, thiết lập ngay cân bằng trắng trên máy ảnh là điều cần làm luôn, nhưng bạn không nên chụp Tự động cân bằng trắng bởi nó sẽ rất khó thậm chí không thể khắc phục sau này nếu bạn chụp sai khi sử dụng định dạng JPG.
8. Nên tăng ISO hay giảm tốc độ màn trập trong ánh sáng yếu?
Nếu bạn đang chụp ảnh với khẩu độ mở rộng, việc điều chỉnh tốc độ màn trập và tăng ISO là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên như đã nói ở phần trên, việc tăng ISO đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiễu trong hình ảnh. Hầu hết các máy ảnh DSLR mới đều đã cải thiện được mức độ nhiễu hạt khi đặt các thiết lập ISO cao. Trong tình huống mà đối tượng đang chuyển động, Việc điều chỉnh ISO là cần thiết để giữ tốc độ màn trập đủ nhanh để đóng băng các hành động.
9. Tại sao ảnh chụp thiếu sáng không sắc nét ngay cả khi sử dụng tripod?
Thông thường khi chụp hình dưới ánh sáng yếu, bạn sẽ chụp với khẩu độ mở rộng (hoặc gần như vậy) do đó độ sâu trường ảnh sẽ rất nông. Vì vậy cần cẩn thận khóa nét (có thể sử dụng back focus) trên một khu vực trên bức hình muốn tập trung lấy nét.
Trong trường hợp lấy nét điểm, ví dụ khi chụp một bức chân dung dưới ánh sáng yếu, điểm quan trọng nhất cần tập trung lấy nét chính là đôi mắt. Nếu đối tượng đang chuyển động, tăng tốc độ màn trập cho đến khi tất cả chuyển động bị đóng băng.
Ngoài ra, bạn hãy chắc chắn rằng tính năng chống rung của máy đã được tắt, vì điều này có thể thực sự tạo ra vệt mờ trong hình ảnh của bạn ngay cả khi chụp với chân máy.
Mẹo khác
Trong ánh sáng yếu, màn hình LCD ở mặt sau của máy ảnh sẽ trông tươi sáng hơn nhiều so với điều kiện thực tế. Vì vậy, nếu máy ảnh của bạn cho phép điều chỉnh độ sáng của màn hình LCD của bạn, hãy giảm xuống một chút để hình ảnh mà bạn chụp sẽ không xuất hiện được quá sáng khi bạn xem nó, ngay cả khi thực tế là nó đang thiếu sáng.
Kết luận
Trên tất cả, bí quyết để chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu chính là kiểm soát máy ảnh của bạn, nhưng bạn cần nắm được rằng mỗi hành động hoặc cài đặt đều mang đến những hiệu quả khác nhau. Bạn hãy coi chụp ảnh trong ánh sáng yếu là một cơ hội cho mình sáng tạo. Chúc bạn thành công!
vnphoto sưu tầm.